Background

Mourinho và bài học về truyền thống, văn hoá của câu lạc bộ

- Ngoại hạng Anh mùa bóng mới sắp diễn ra, một mùa bóng mới với nhiều biến động, sự nghỉ hưu của Sir Alex Ferguson, sự trở lại của Mourinho, sự thay đổi một loạt huấn luyện viên ở các câu lạc bộ hứa hẹn mùa bóng mới với nhiều sắc thái mới.

Trong số những biến động ấy, sự trở lại của Mourinho rất đáng được chú ý. Đó là sự tái hợp mang lại cho người ta nhiều nghi ngờ lẫn thú vị, chờ đợi. Vậy tại sao lại có sự kết hợp này khi mà trước đó, Mourinho đã phải ra đi trong “lặng lẽ”? Bài viết này sẽ xuyên suốt, tóm tắt quá trình thành công của Mourinho và đưa ra lý giải của mình trên quan điểm cá nhân – một người hâm mộ bóng đá.

Để thừa nhận một cá nhân, người ta dựa vào tài năng cùng những thành công mà người đó đạt được. Những thành tích có được đã đưa Mourinho trở thành một trong những HLV xuất nhất, được săn đón nhất đương đại. Từ Porto đến Chelsea, Inter Milan và cả Real Madrid, ông luôn gặt hái được những danh hiệu mà bất cứ những HLV nào cũng luôn hướng đến. Đó là vô địch quốc gia đối với tất cả các câu lạc bộ dẫn dắt, vô địch Champions League với Porto và Inter Milan, trong đó có cú ăn ba ấn tượng cùng Milan. Ở Chelsea tuy chưa vô địch Champions League nhưng nền tảng mà ông để lại đủ để Chelsea vô địch mấy năm sau. Để đạt được những chiến tích lừng lẫy như vậy, tất nhiên, tài năng của ông cùng đội bóng mà ông dẫn dắt là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân mình, tác giả cho rằng những yếu tố sau là cực kỳ quan trọng:

Sự trở lại của Mourinho rất đáng được chú ý ở Chelsea. Ảnh: Internet
- Triết lý bóng đá mà Mourinho mang đến là phù hợp với những CLB đó.

- Hoặc Mourinho mất công gầy dựng những bước cơ bản đầu tiên từ những thứ nhạt nhòa hay hỗn độn.

- Hay nói cách khác, triết lý của Mourinho mang đến những đội bóng đó là phù hợp với truyền thống, văn hóa và phong cách của CLB mà ông dẫn dắt. Đó là những yếu tố:

+ Thành công dựa vào nền tảng phòng thủ vững chắc, kỷ luật thép.

+ Một đội bóng với tập thể đoàn kết hướng đến một mục tiêu chung.

+ Cá nhân Mourinho có quyền lực tuyệt đối đối với đội bóng.

Với những chiến tích đó, Real Madrid, bằng mọi cách đã đưa Mourinho về huấn luyện Dải ngân hà 2.0 với mong muốn thống trị thế giới. Tuy nhiên, thành tích mà Mourinho đạt được không như kỳ vọng và kết cục là ông phải ra đi trong “lặng lẽ”, để lại rất nhiều điều tiếng không hay. Xin nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên Mourinho nếm trải cảm giác này. Điều này cũng đã xảy ra với ông chính tại CLB mà ông đang trở lại – Chelsea. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao với dàn hùng binh Galaticos 2.0 nhưng Mourinho vẫn không thể đạt được những chiến tích như thời dẫn dắt Inter hay thậm chí Porto? Và tại sao ông phải nếm cảm giác này lần đầu tiên ở Chelsea và nay lại quay trở lại? Có thể nói hai sự ra đi này của Mourinho là một sự thất bại trong tương quan so sánh với những gì mà ông đã làm được. Để trả lời cho những câu hỏi trên, tác giả cho rằng:

- Truyền thống, bản sắc của 1 CLB là khó thay đổi và nó lớn mạnh hơn bất cứ một cái tôi cá nhân nào.

- Real là một CLB có truyền thống, văn hóa và phong cách khác biệt hay trái ngược với triết lý của Mourinho:

+ Mourinho đã không xây dựng được những thứ đã mang đến thành công cho ông tại các CLB khác.

+ Nguy hiểm hơn, Mourinho đang cố tình thay đổi cái truyền thống ấy bằng một triết lý của mình.

+ Điều này cũng giải thích cho việc ra đi của ông ở Chelsea khi mà Ông chủ đã muốn thay đổi phong cách từ nền tảng của Mourinho sang Sexy Football. Khi không đáp ứng được yêu cầu này, Mourinho đã phải ra đi.

+ Điều này giải thích vì sao Mou trở lại Chelsea. Khi mà Ông chủ đã cảm thấy đựơc sự thất bại của cái gọi là Sexy Football của mình khi bao năm qua dù có đựơc hai cúp Châu Âu nhưng đội bóng vẫn không ổn định và đựơc đánh giá là không xứng đáng cho chức vô địch Champions League năm trước. Trong đấu trừơng quốc nội, Chelsea liên tục phải bám đuổi để có đựơc suất dự Champions League chứ chưa nói là cạnh tranh với hai đội bóng thành Manchester.

Khi đến với Real, Mourinho mang đến triết lý của mình và áp dụng vào một triết lý, một truyền thống trái ngược đã tồn tại cả trăm năm nay ở Madrid. Hai triết lý này không thể dung hoà và Mourinho không đủ khả năng để thay đổi. Và tất yếu, kẻ chiến bại phải ra đi.

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng Mourinho thất bại 2 lần, báo chí đưa lên là thảm hại nhưng tài năng và sức hút của ông là không suy giảm. Đơn giản, vì Mourinho và Real và Chelsea tại thời điểm đó là khác biệt về triết lý, phong cách và văn hóa bóng đá. Một cá nhân dù kiệt xuất đến đâu cũng không thể thay đổi thời cuộc nếu đi ngược lại xu hướng, truyền thống, văn hóa và triết lý của cộng đồng. Mourinho đã thất bại bởi ông quá tự tin, quá ngông và cứng đầu. Đây cũng là bài học cho những tân HLV khi dẫn dắt một đội bóng mới, nhìn sang Manchester United và David Moyes, có lẽ đây chính là lý do mà Sir Alex cũng như Ban lãnh đạo Manchester United chọn Moyes chứ không phải Mourinho hay một HLV tài năng nào khác.

Categories: Share

Leave a Reply