Background

Việt Nam hội tụ đủ yếu tố trở thành quốc gia năng động nhất châu Á


Tờ Le Monde (Pháp) nhận định, Việt Nam giờ đây đang “thay da đổi thịt”. Trên mọi dãy phố, nét truyền thống pha lẫn với hiện đại. Đây đó là những hàng quán vỉa hè, những gánh hàng rong hòa quyện cùng với các cửa hiệu sang trọng.
Việt Nam hội đủ nhiều yếu tố để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất của châu Á, như dân số đông và trẻ (92 triệu dân, trong đó hơn một nửa dưới 30 tuổi) và mức tăng trưởng kinh tế đều đặn hàng năm trung bình ở mức 7,2%. Mặc dù hiện nay sự năng động đã bị yếu đi đôi chút và lạm phát vẫn còn ở mức khá cao, nhưng thu nhập bình quân đầu người đạt mức 1.500usd năm 2012.
Việt Nam hội tụ đủ yếu tố trở thành quốc gia năng động nhất châu Á 1
 Sự thay đổi trong lòng xã hội Việt Nam như một vòng xoáy liên tục.
Cùng với thời gian, quan niệm đến đầu tư tại Việt Nam của doanh nhân nước ngoài cũng đang dần thay đổi theo xu hướng phát triển của xã hội. Trước đây, họ chạy theo trào lưu di dời cơ xưởng do giá nhân công rẻ. Giờ đây, với mức tiêu thụ nội địa ước tính lên đến 24% (thống kê năm 2011), quan niệm kinh doanh cũng biến đổi theo nhanh chóng. Các doanh nhân nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, nhất là Pháp và nhiều Việt kiều hồi hương.
Ông Nicolas du Pasquier, Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam đánh giá rất cao các khả năng tiềm tàng của đất nước Việt Nam: nhiều tài nguyên, dân số đông và trẻ, số ngoại kiều có khiếu kinh doanh về nước đông đảo và nhất là máu kinh doanh bẩm sinh của người Việt.
Bên cạnh những điểm mạnh của Việt Nam, các doanh nhân Pháp cũng chỉ ra các điểm hạn chế cần khắc phục. Theo họ, hệ thống giáo dục của đất nước vẫn chưa thỏa mãn các nhu cầu của một nền kinh tế hiện đại. Dù rằng trình độ giáo dục đã được cải thiện, nhưng trường học vẫn chưa đào tạo được các nhà chuyên nghiệp thực thụ. Eric Planchon, có cơ sở tại Việt Nam chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe thú vật cho rằng, chưa biết cách làm việc theo nhóm và thiếu ý tưởng là một những thách thức lớn nhất của lao động người Việt. Thế nhưng anh cho rằng, các điểm này vẫn có thể khắc phục được.
Theo doanh nhân Jean-Luc Voisin, chủ doanh nghiệp Les Vergers du Mékong, chuyên về kinh doanh chế biến trái cây: Nhờ điều kiện khí hậu tốt, trái cây Việt Nam có quanh năm suốt tháng. Chỉ trong vòng có 7 - 8 năm mà Việt Nam đã vươn lên lọt vào top 3 quốc gia xuất khẩu cà phê, gạo, tiêu và hạt điều.
Thay đổi không chỉ diễn ra ở thành thị mà cũng đang lan dần sang cả nông thôn. Eric Merlin, có vợ là người Việt, chủ cửa hàng Annam Gourmet, chuyên phân phối các sản phẩm nhập khẩu, nhận thấy, dù 2/3 dân số là ở nông thôn, khoảng cách về sức mua giữa nông thôn và đô thị vẫn còn lớn nhưng điều đó cũng không ngăn cản các sản phẩm tiêu thụ, bảo trì hay các sản phẩm chăm sóc cơ thể đến với các vùng nông thôn.
“Nhập gia” phải “tùy tục” là nhận định chung của các doanh nhân Pháp khi đến Việt Nam lập nghiệp. Khởi đầu có thể sẽ rất phức tạp, nhưng một khi đã tìm thấy cho mình một dấu ấn riêng, hiểu được các thủ tục, thích ứng được với môi trường văn hóa vốn dĩ rất khác biệt với phương Tây và nhất là phải biết tự trang bị cho mình sự kiên nhẫn thì mọi việc sẽ “thuận buồm xuôi gió”.
“Chính quyền Việt Nam luôn đưa ra các rào cản, nhưng một khi anh được xem như là một doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm, thì chính quyền sẽ lắng nghe anh” theo như lời khuyên của Jean-Luc Voisin.
Nhìn chung, với các điểm mạnh về dân số, tố chất con người, các doanh nhân Pháp thích đến Việt Nam làm ăn là còn nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, đó là ngay trong lòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ Việt Nam, họ có thể lấn sang các thị trường khác như Campuchia, Thái Lan, rồi Ấn Độ và gần đây nhất là Lào, Bangladesh, Mông Cổ, Indonesia và Myanmar.
Cuối cùng, các doanh nhân Pháp nhận thấy rằng “Đất nước này là một trường đời tuyệt vời nhất. Kinh doanh ở đây cũng là cách để tự đào tạo. Tuy khó mà dễ do có rất nhiều cơ hội”. Tóm lại, đây là nơi lý tưởng để “sáng tạo hay tái sáng tạo”, “một biểu tượng của sự toàn cầu hóa”.

Categories: Share

Leave a Reply